So với năm 2000, tổng công suất các nhà máy nước đô thị hiện nay đã tăng từ 2,4 triệu m3/ngđ lên khoảng 9 triệu m3/ngđ (gần gấp 3,5 lần), tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 40% lên 86%, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn khoảng 21,5%. Bình quân cả nước khoảng 91,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó gần 49% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT. Tổng số công trình cấp nước tập trung đã xây dựng khoảng 18.135 công trình.
Chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh. Các doanh nghiệp cấp nước đang từng bước xây dựng và triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; sắp xếp, cải tạo tổ chức quản lý cấp nước. Việc quan tâm đầu tư phát triển cấp nước trong những năm vừa qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thành công, lĩnh vực cấp nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết để phát triển bền vững.
KHÓ KHĂN – THÁCH THỨC
Về quản lý cấp nước
Chính phủ giao Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các khu vực nông thôn. Từ việc giao 02 Bộ Ngành quản lý cấp nước đã hình thành sự tách biệt giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn từ xây dựng định hướng, chiến lược và quy hoạch cấp nước đến các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ cấp nước và chất lượng đầu tư công trình. Thực tế hiện nay, việc quản lý, đầu tư phát triển cấp nước giữa đô thị và nông thôn còn nhiều khác biệt; đầu tư còn chồng chéo, công trình thiếu bền vững; với quá trình đô thị hóa nhanh, ranh giới đô thị và nông thôn luôn biến động đang tác động đến hiệu quả đầu tư và khả năng kế thừa, cải tạo công trình cấp nước nông thôn hiện hữu.
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp cấp nước được đẩy mạnh, nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có Luật cấp nước, đang thiếu quy định cao nhất về quản lý hoạt động cấp nước, thiếu ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển cấp nước và bảo đảm cấp nước an toàn; vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp nước đang giảm dần và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Mô hình quản lý cấp nước cộng đồng, hợp tác xã tại khu vực nông thôn và ban quản lý hay chủ đầu tư chung cư (kết hợp quản lý vận hành công trình cấp nước tại các khu đô thị mới, khu chung cư) còn nhiều bất cập; việc thực hiện Hợp đồng cung cấp dịch vụ cấp nước giữa doanh nghiệp cấp nước bán buôn và doanh nghiệp cấp nước bán lẻ (các khu đô thị, khu chung cư, khu dân cư nông thôn ...), việc mua bán chuyển nhượng cổ phần, tài sản công trình cấp nước chưa được cơ quan, chính quyền địa phương kiểm soát; khi sảy ra sự cố cấp nước, chưa rõ người chịu trách nhiệm, đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và duy trì cấp nước liên tục cho người dân.
Về đầu tư phát triển cấp nước
Do ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, chất lượng xây dựng công trình và sử dụng vật liệu thiếu bền vững, giá nước thấp không đủ chi phí tái đầu tư và vận hành bảo dưỡng hoặc mô hình quản lý cấp nước chưa phù hợp nên nhiều công trình cấp nước nông thôn nhỏ lẻ đã xuống cấp, hư hỏng.
Đối với khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu vực dân cư có điều kiện kinh tế phát triển sẽ được các doanh nghiệp quan tâm lựa chọn đầu tư cấp nước, nhưng đa số đối với các khu vực dân cư nông thôn nghèo, khó khăn về nguồn nước chưa được đầu tư cấp nước hoặc chất lượng công trình, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu.
Trong điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm, khô hạn hay xâm nhập mặn, giải pháp đầu tư công trình cấp nước quy mô vùng liên đô thị, vùng liên huyện hoặc liên xã đáp ứng yêu cầu bền vững nhưng ít được quan tâm, ưu tiên đầu tư đúng mức; đối với công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh đang gặp khó khăn về cơ chế chính sách và sự phối hợp của UBND các tỉnh.
Về quản lý rủi ro cấp nước
Các địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả quản lý rủi ro cấp nước. Quản lý rủi ro cấp nước bao gồm kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước, giảm thất thoát nước, bảo vệ công trình cấp nước, nâng cao chất lượng nước và việc sử dụng thiết bị vật tư ngành nước. Do tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước tại nhiều hệ thống cấp nước chưa đạt quy định; công tác quản lý cải tạo mạng đường ống chưa đáp ứng yêu cầu, thường xảy ra các sự cố về rò rỉ, vỡ đường ống, dẫn đến cấp nước không liên tục, áp lực nước yếu, chất lượng nước không đảm bảo.
Về giá nước sạch
Hiện nay, cung cấp nước sạch được quy định là dịch vụ công ích đồng thời lại được quy định là hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Việc quy định đồng thời cấp nước là dịch vụ công ích và sản xuất kinh doanh gây khó khăn trong quản lý phát triển cấp nước. Đối với cấp nước đô thị là quy định dịch vụ công ích không còn phù hợp do cơ chế thị trường đã đảm bảo bù đắp chi phí. Đối với cấp nước nông thôn, các khu vực dân cư nghèo chưa đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư cần có hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và có chính sách quản lý phù hợp.
Giá nước được xác định theo điều kiện dịch vụ, chất lượng đầu tư theo từng vùng phục vụ cấp nước; khi xã hội hóa cấp nước, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có nhiều giá nước sạch theo các vùng phục vụ; UBND các tỉnh sẽ gặp khó khăn để kiểm soát và ban hành giá bán nước, đặc biệt khi giá nước sạch không thống nhất ở khu vực dân cư.
MỘT SỐ QUAN ĐIỂM QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC TẠI VIỆT NAM
Sự cần thiết xây dựng Luật Cấp nước
Các Luật hiện hành liên quan đến quản lý, đầu tư phát triển cấp nước như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Doanh nghiệp v.v.. nhưng chưa có các nội dung quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch bao gồm: mô hình tổ chức quản lý cấp nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước; quản lý dịch vụ cấp nước; điều tiết các mối quan hệ trong hoạt động cấp nước; kiểm soát tài sản công trình cấp nước và bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước. Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người; nhưng hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động cấp nước là Nghị định đang chịu chi phối các tác động lĩnh vực khác có hiệu lực pháp lý cao hơn là Luật.
Từ yêu cầu thực tế về quản lý phát triển cấp nước Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, việc sớm ban hành Luật Cấp nước là hết sức cần thiết làm công cụ pháp lý, quản lý nhà nước thống nhất có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ điều chỉnh toàn diện các hoạt động cấp nước liên quan đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt
Nước sạch có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Quy định người dân có quyền được tiếp cận nước sạch nhằm thể hiện vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với nhu cầu sử dụng nước của người dân, đặc biệt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời sẽ nâng tầm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.
Quy định bảo đảm an ninh cấp nước
Quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước là yêu cầu quan trọng và cần được Nhà nước, doanh nghiệp và người dân quan tâm thực hiện. Ngoài ra nâng tầm quản lý rủi ro lên tầm bảo đảm an ninh cấp nước; như vậy, Nhà nước mới đủ quyền lực kiểm soát tài sản công trình cấp nước (do tư nhân sử hữu) nhằm duy trì hoạt động ổn định của công trình cấp nước trong mọi trường hợp rủi ro có thể xảy ra.
Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ cung cấp nước sạch
Khi đó, dịch vụ cấp nước tiếp tục giao cho tư nhân thực hiện, vì vậy, cần có văn bản pháp luật cao nhất quy định định vai trò, tránh nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với hoạt động cấp nước (cấp giấy phép, ký hợp đồng cấp nước v.v..)
Cấp nước đô thị là dịch vụ công ích đã không còn phù hợp
Hiện nay đang quy định cung cấp nước đô thị là dịch vụ công ích mâu thuẫn với quy định hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định cấp nước đô thị là dịch vụ công ích không còn phù hợp do giá nước sạch đã đảm bảo bù đắp các chi phi. Riêng đối với cấp nước nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giá nước sạch chưa đảm bảo bù đắp chi phí. Định hướng quy định thống nhất hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh; riêng đối với cấp nước nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần có cơ chế chính sách và sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.
Chính sách về giá nước sạch
Khi quy định cấp nước là dịch vụ công ích thì giá nước sạch do UBND cấp tỉnh quyết định. mỗi tỉnh sẽ có nhiều giá nước sạch theo các vùng phục vụ cấp nước của các doanh nghiệp cấp nước; việc kiểm soát và ban hành nhiều giá bán nước sẽ là khó khăn của các tỉnh. Quy định cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới giao cho doanh nghiệp quyết định giá nước sạch sau khi được UBND cấp tỉnh thẩm định phương án giá nước.
Thống nhất giao một Bộ thực hiện quản lý nhà nước
Thống nhất giao một Bộ thực hiện quản lý nhà nước về cấp nước cả đô thị và nông thôn. Quản lý cấp nước không phụ thuộc vào địa giới hành chính (giữa các tỉnh, các khu vục đô thị, nông thôn) và thống nhất quản lý quy hoạch cấp nước. Xây dựng thống nhất hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, sử dụng thiết bị vật tư và vận hành công trình cấp nước.
Hướng tới thành lập một cơ quan quản lý ngành cấp nước, giúp Bộ, Chính phủ về hướng dẫn xây dựng, thực hiện chính sách; hướng dẫn các tranh chấp, xung đột của doanh nghiệp, chính quyền địa phương; giúp tòa án xử lý kiện tụng về ngành nước.
Theo KS Nguyễn Minh Đức
Trưởng phòng Quản lý cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng